Lá thư bàn về giáo dục gửi bộ trưởng

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down

Lá thư bàn về giáo dục gửi bộ trưởng Empty Lá thư bàn về giáo dục gửi bộ trưởng

Bài gửi by test 21/8/2013, 08:24

TP Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 7 năm 2013

Từng là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam khi còn là học sinh cắp sách đến trường, là khách hàng của giáo dục Việt Nam khi bỏ công sức, tiền bạc cho việc học hành của các con (và tới đây là các cháu), tôi đánh giá cao việc Bộ trưởng công bố địa chỉ email với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho ngành giáo dục nước nhà mà Bộ trưởng phụ trách.Cá nhân tôi xin hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng bằng chính lá thư ngỏ này gửi đến Bộ trưởng.

Thưa Bộ trưởng, những bất cập của nền giáo dục Việt Nam đã được rất nhiều chuyên gia giáo dục và đông đảo người dân nêu ra liên tục trong hàng chục năm qua. Hiếm có một nước nào mà mỗi năm các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học lại trở thành các sự kiện đặc biệt, thu hút sự quan tâm rộng rãi của báo chí, người dân như ở Việt Nam. Các con của chúng tôi may mắn có điều kiện học trung học, dự bị đại học và đại học tại Singapore và Anh. Điều khác biệt rất dễ nhận thấy là ở các nước này nhà trường chẳng bao giờ tổ chức lễ khai giảng;đến kỳ thi hết cấp học, vào đại học báo chí của họ cũng chẳng đưa tin. Học sinh cứ đến ngày đến giờ thì tới trường nhận sách giáo khoa, thời khoá biểu, làm quen với thầy cô, bạn bè cùng lớp rồi bắt đầu năm học mới. Việc lựa chọn, đăng ký trường, ngành, thông báo kết quả thi, các cơ hội học thay thế nếu lựa chọn ưu tiên không đạt… đều được thực hiện qua internet.Có cảm giác là nền giáo dục và chuyện thi cử ở các nước này đã đạt độ ổn định đến mức chẳng có gì để nói, để bàn, để tranh luận nữa.

Quả thực, cái gì mà năm nào cũng thế, “đến hẹn lại lên”, “cứ thế mà làm” thì cũng không có gì để xã hội phải đặc biệt quan tâm nữa thật.

Trong khi đó ở Việt Nam, hàng năm Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp PTTH, mỗi năm một kiểu, quanh quẩn mãi mà vẫn chưa ổn định được việc này. Ngay đến môn thi tốt nghiệp là những môn nào học sinh cũng không được biết trước, hằng năm phải chờ quyết định của Bộ. Cách làm này dẫn đến sự cố hằng trăm học sinh Trường PTTH Nguyễn Hiền ở TP Hồ Chí Minh xé đề cương môn Lịch sử ném tung tóe khi họ biếtkhông phải thi tốt nghiệp môn học này trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi.

Ở nước ta, chuyện giáo dục được quan tâm quanh năm và từ năm này qua năm khác. Nghĩ theo hướng tích cực, điều đó là vì người Việt Nam và cả xã hội rất quan tâm đến việc học hành của trẻ em. Nhưng cũng cần nhìn nhận dưới cả góc độ khác: phải chăng sự “quan tâm” đó thật ra là sự bận tâmdo những bất cập của chuyện học hành, thi cử trong một nền giáo dục chưatạo được sự yên tâm, tin tưởng của cả giới chuyên môn lẫn người dân?

Nếu như sự quan tâm đến giáo dục là tích cực thì sự bận tâm lại mang tính tiêu cực, nếu không phải bận tâm hoặc bớt phải bận tâm thì tốt hơn.Nhưng sự thật là cả giới chuyên môn và người dân nước ta không thể không bận tâm được. Và dưới góc nhìn nhất định, những buổi lễ khai giảng đầy cờ hoa, khẩu hiệu, các bài phát biểu dõng dạc không hẳn thể hiện sự thoả mãn, hài lòng với thực trạng nền giáo dục, mà là để thêm một lần hạ quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học. Năm nào cũng như vậy, nhưng chưa thay đổi được bao nhiêu nên vẫn phải tiếp tục hạ quyết tâm.

Nếu góc nhìn trên của tôi là sai thì mong Bộ trưởng lượng thứ, nhưng tôi xin được trình bày một số điều mà nền giáo dục Việt Nam, theo tôi, đã và đang tạo ra sự bận tâm cho cả giới chuyên môn và người dân, như sau:

1. Kết cấu chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình học phổ thông của ta quá nặng các môn tự nhiên (toán, lý, hoá), nhẹ các môn xã hội, giáo dục kỹ năng sống và làm việc (văn, sử, địa, ngoại ngữ, giáo dục giới tính, giáo dục công dân, kiến thức pháp luật, kỹ năng thuyết trình, làm việc theo nhóm, thể dục thể thao, v.v.).

Nếu như việc học nặng các môn tự nhiên chỉ bổ ích cho những người chọn các ngành khoa học tự nhiên khi vào đại học và ra làm việc, thì các môn học xã hội, kỹ năng sống và làm việc bổ ích cho cả đời người của mọi người, kể cả người theo các ngành khoa học tự nhiên. Kiến thức về các lĩnh vực đó không bao giờ thừa, thường là thiếu hoặc rất thiếu. Không ít người có một vài bằng đại học nhưng soạn một văn bản tiếng Việt đơn giản cũng không đạt. Không ít người khi tiếp xúc với đối tác nước ngoài, ngoài các vấn đề công việc ra chẳng biết chuyện trò gì.Không ít người không thể thuyết trình hiệu quả trước đông người, kể cả về các vấn đề chuyên môn mà mình nắm vững. Không ít người biết chuyên môn, nhưng không thể đóng góp hiệu quả cho các hoạt động, đề án tập thể đòi hỏi sự chia sẻ, phối hợp, cộng hưởng. Không ít người thiếu hẳn những chuẩn mực đạo đức, văn hoá ứng xử, hiểu biết pháp luật tối thiểu sau khi ra trường.

Theo một số thông tin đăng tải gần đây, 37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm do thiếu hụt kỹ năng thực hành, 83% sinh viên ra trường bị các nhà tuyển dụng đánh giá thiếu kỹ năng sống. Đã phỏng vấn tuyển dụng hàng nghìn người trong 20 năm qua, tôi nghĩ những con số này có cơ sở và rất đáng lo ngại. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp sau khi tuyển dụng sinh viên ra trường phải tổ chức đào tạo cho họ các kiến thức, kỹ năng cơ bản mà lẽ ra họ đã phải được chuẩn bị tốt trong những năm học đại học.

2. Sự cào bằng, áp đặt, thiếu tính hướng nghiệp của chương trình giáo dục.

Sự cố video clip “Kẻ lười biếng” gần đây là một sự “nổi loạn”, báo động về tình trạng học sinh mất niềm tin vào nền giáo dục Việt Nam. Tôi nghĩ rằng “Kẻ lười biếng” không phải là học sinh duy nhất mất niềm tin, chỉ có điều em này có khả năng và mức độ mạnh dạn để công khai trình bày suy nghĩ, đánh giá của mình về nền giáo dục. Nhiều điều “Kẻ lười biếng” nói đáng để các nhà quản lý giáo dục xem xét nghiêm túc thay vì bác bỏ cho qua chuyện.

Cách đây gần 10 năm, khi đang là học sinh lớp 10 chuyên toán của một trường chuyên tại Hà Nội, con trai chúng tôi cũng thể hiện sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục Việt Nam bằng một bài cháu viết gửi đăng trên báo Thanh Niên. Thay vì mừng về sự “chín chắn”, biểu hiện “ông cụ non” của một đứa trẻ, vợ chồng chúng tôi tin rằng cần phải đưa cháu trở lại làm người học sinh chăm chỉ, đam mê học hành. Nhưng vì cháu đã mất niềm tin vào cách dạy và học ở Việt Nam qua trải nghiệm của chính cháu và bạn bè, chúng tôi nghĩ, cách tốt nhất là để cháu trở thành học sinh của một nền giáo dục khác mà cháu tin tưởng và có đam mê học tập mạnh mẽ. Một khi chúng ta mất niềm tin vào một thứ, rất khó để chúng ta tiếp thu nó một cách hiệu quả. Điều này rất nguy hiểm cho học sinh với nhiệm vụ chính là học.

Phải chăng cái làm cho học sinhmất niềm tin vào hệ thống giáo dục và chán học là sự cào bằng, tính áp đặt trong chương trình giáo dục và cách dạy? Mỗi đứa trẻ có những mặt mạnh, mặt yếu, thiên hướng, năng khiếu riêng, nhưng trong hệ giáo dục hiện nay, với chương trình học giống nhau suốt cả 12 năm, các em có rất ít cơ hội lựa chọn để học tốt hơn những môn học các em có năng khiếu và đỡ phải mất công, khổ sở với những môn học các em không thể tiếp thu tốt vì các tố chất cá nhân (hoặc nhiều khi chỉ đơn giản làcác em không thích các môn học đó).

Kiến thức là vô tận, do vậy, yêu cầu phát triển toàn diện con người không đồng nghĩa với việc bắt học sinh phải học những môn học phổ thông mà khả năng tiếp thu của các em rất hạn chế. Nhớ lại, khi học cấp 3 chúng tôi được (phải?) học môn nhạc. Đối với tôi, đó là một cực hình, tôi không thể nào phân biệt được nốt nhạc này với nốt nhạc kia. Ở lứa tuổi đó, năng khiếu âm nhạc nếu có thì đã có rồi, nếu đã không có thì cũng không thể tạo ra được, vậy thì bắt tôi học nhạc để làm gì?Nếu được lựa chọn, tôi đã sử dụng thời gian học nhạc để học môn khác nhiều hơn.

Khi so sánh với một số hệ giáo dục khác mà học sinh có quyền lựa chọn môn học (sẽ nêu dưới đây), tính hướng nghiệp cho học sinh trong chương trình phổ thông của ta quá ít, làm cho các em phải học nhiều thứ không cần thiết, học ít các thứ cần thiết (cho nghiệp sẽ chọn). Con gái chúng tôi học xong lớp 8 ở Việt Nam thì đi Singapore học tiếp trung học với chỉ 7 môn học, trong khi các bạn của cháu học lớp 9 ở Việt Nam với 12-13 môn. Con trai chúng tôi đang học giữa lớp 10 thì được nhận vào học dự bị đại học ở Anh với 6 môn học (do cháu tự chọn), chỉ bằng một nửa số môn cháu học ở Việt Nam.

Chương trình phổ thông giống nhau cho tất cả học sinh trong cả 12 năm học là sự lãng phí thời gian, sức học cho học sinh, lãng phí công sức, tiền bạc cho các gia đình và toàn xã hội. Theo tôi được biết, có rất ít nước trên thế giới còn theo hệ thống giáo dục phổ thông kiểu như vậy.

3. Tỷ lệ đào tạo “thầy” và “thợ” cho thị trường lao động.

Do chương trình giáo dục phổ thông giống nhau suốt 12 năm và tâm lý phải cố gắng cho con vào đại học phổ biến của các phụ huynh nước ta, tỷ lệ đào tạo đại học và cao đẳng dạy nghề ở nước ta bất hợp lý, gây mất cân đối về nguồn cung trên thị trường lao động.

Nền kinh tế nào cũng cần có “thợ” nhiều hơn “thầy”, đào tạo nghề thông thường phải nhiều hơn đào tạo kinh điển (để làm các công việc nghiên cứu, quản lý). Do dôi dư lao động có bằng đại học nhưng lại thiếu lao động được đào tạo nghề có chất lượng cao, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng lao động có bằng đại học cho những công việc thật ra chỉ cần lao động được đào tạo nghề (cao đẳng, thậm chí trung cấp).

Khi người có bằng đại học chưa tìm được cơ hội việc làm tốt hơn, họ sẵn sàng chấp nhận một công việc lao động giản đơn, với mức thu nhập thấp. Nhưng sau khi đã được nhận vào làm việc, họ luôn luôn tìm cơ hội thay đổi sang công việc khác mà họ coi là phù hợp với bằng đại học của họ (từ nhân viên thành chuyên viên). Khi người lao động không hài lòng với công việc đang làm, chất lượng công việc bị giảm sút, phát sinh sự bất ổn định trong công tác nhân lực, thậm chí còn gây tiêu cực cho tổ chức.

Trong những năm gần đây, thay vì nâng cao chất lượng, uy tín của các trường đại học và cao đẳng để “thầy” cho ra “thầy”, “thợ” cho ra “thợ”, chúng ta lại cho nâng cấp nhiều trường cao đẳng lên đại học, có cả trường hợp từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học trong một thời gian ngắn. Điều đó làm giảm chất lượng cả “thầy” và cả “thợ”, đồng thời làm cho tỷ lệ “thầy” – “thợ” càng bất hợp lý.Bằng việc chuyển dịch quá nhiều học sinh về phía đại học, chúng ta cũng làm hỏng chất lượng của cả “thầy” và “thợ”.

Theo số liệu tại website moet.gov.vn, trong năm học 2010-2011, nước ta có 726.219 sinh viên học tại 226 trường cao đẳng, 1.435.887 sinh viên học tại 188 trường đại học. Sang năm học 2011-2012, có 756.292 sinh viên tại 215 trường cao đẳng và 1.448.021 sinh viên tại 204 trường đại học. Mặc dù số sinh viên cao đẳng có tăng, nhưng số trường cao đẳng đã giảm 11 trường, số trường đại học tăng thêm 16 trường, tỷ lệ sinh viên đại học – cao đẳng ở nước ta khoảng 2:1. Tỷ lệ này tại EU cỡ 1:1,5, tại Nhật cỡ 1:1. Tỷ lệ sinh viên đại học – cao đẳng của Việt Nam tương đương Mỹ, nhưng cần lưu ý rằng rất nhiều các doanh nghiệp Mỹ đã chuyển các hoạt động sản xuất cần nhiều lao động giản đơn sang các nước đang phát triển tại châu Á và Mỹ La-tinh, chỉ duy trì các khâu nghiên cứu – phát triển, tiếp thị, phân phối… cần lao động chuyên môn cao tại chính quốc. Ta chưa thể theo Mỹ trong chuyện này.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng, gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng. Với tỷ lệ như vậy và quy mô vượt trội của 02 trường Đại học Quốc gia, e rằng tỷ lệ “thầy” – “thợ” trên thị trường lao động đến năm 2020 vẫn bất hợp lý (trừ khi phát triển được một số trường cao đẳng có quy mô rất lớn).

4. Cuộc thi tốt nghiệp.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn tiệm cận mức tuyệt đối. Năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh đạt tốt nghiệp hệ giáo dục trung học phổ thông đạt 97,52% (“hơi giảm” so với 98,97% của năm học 2011-2012).

Một kỳ thi mà chỉ có một vài phần trăm học sinh không đỗ, điểm thi của nó sau đó cũng không được sử dụng cho mục đích gì đáng kể, trong khi nó gây tốn kém rất lớn về công sức, tiền bạc, gây tắc đường, tăng tai nạn giao thông…, tôi nghĩ không cần phải tổ chức nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể cấp chứng nhận tốt nghiệp cho tất cả học sinh khi họ kết thúc toàn bộ chương trình giáo dục PTTH, việc chọn lọc học sinh sẽ thực hiện qua các kỳ thi đại học, cao đẳng (bản thân các kỳ thi này cũng cần được hoàn thiện).

Không nên tiếp tục một cách làm vất vả, tốn kém như thi tốt nghiệp khi mà nó đã không còn tạo được giá trị lớn hơn các loại phí tổn phải bỏ ra.

5. Đầu tư nước ngoài vào giáo dục và liên kết đào tạo.

Trong những năm qua, nhà nước đã ban hành một số văn bản quy định về đầu tư nước ngoài vào giáo dục, hợp tác liên kết đào tạo.Gần đây nhất là Nghị định 73/2012/NĐ-CP ký ngày 26/9/2012.

Tôi có cảm giác các quan điểm, chính sách của ta đối với vấn đề này vẫn còn thiếu tính nhất quán và kinh nghiệm thực tiễn.

Một mặt, chúng ta thấy cần phải thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục, cho phép liên kết đào tạo để phát triển lĩnh vực quan trọng này. Mặt khác, có vẻ chúng ta vẫn muốn bảo hộ các cơ sở đào tạo không có vốn đầu tư nước ngoài trong cạnh tranh giáo dục, vì thế quy định những hạn chế như trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình nước ngoài, các trường tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường; các trường THPT không quá 20% tổng số học sinh của trường. Nhiều người đã bày tỏ băn khoăn về các quy định này.

Trên thực tế, tổng vốn FDI vào giáo dục ở Việt Nam chưa đến 500 triệu USD và mức đầu tư bình quân vào một dự án giáo dục chưa đến 3 triệu USD, rất thấp so với các lĩnh vực khác. Các nhà đầu tư giáo dục nước ngoài chủ yếu đầu tư vào các dự án trường mầm non và PTCS. Mới chỉ có 3 trường hệ đại học ở Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo tôi, việc thu hút đầu tư vốn FDI vào các dự án trường đại học ở Việt Nam không có triển vọng sáng sủa. Hầu hết các trường đại học danh tiếng trên thế giới hoạt động theo quy chế phi lợi nhuận (kể cả các trường đại học tư nhân). Họ tiếp nhận các nguồn tài trợ từ chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và bắt buộc phải duy trì nguyên tắc phi lợi nhuận. Họ không đầu tư vốn ra nước ngoài, mà chỉ thực hiện các chương trình liên kết đào tạo và các khoản thu từ các hoạt động này thường cũng mang tính phi lợi nhuận. Nói chung, đào tạo đại học không phải là lĩnh vực để các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận. Số lượng các trường đại học tư nhân với mục tiêu kinh doanh (với mục tiêu lợi nhuận) rất ít, thường không phải là các trường danh tiếng và ngay cả họ cũng ít khi đầu tư vốn ra nước ngoài.

Nhìn chung, liên kết đào tạo là hình thức hợp tác phổ biến nhất. Các nhà đầu tư địa phương (nhà nước, tư nhân) bỏ vốn thành lập trường, tuyển sinh và đào tạo học sinh, sinh viên theo chương trình khung, giáo trình của trường nước ngoài, kèm với những hình thức hỗ trợ nhất định của trường nước ngoài. Đây có lẽ là hướng đi mà Việt Nam cần ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi, kể cả việc cho phép áp dụng toàn bộ chương trình khung nước ngoài đối với ngành nghề đào tạo được liên kết quốc tế. Chúng ta thu hút cho các học sinh học đại học ở nước ngoài về nước làm việc như thế nào thì cũng cần tạo điều kiện như thếcho các trường đại học trong nước thực hiện các chương trình đào tạo tương tự thông qua liên kết đào tạo. Việc này có thể làm giảm nhu cầu đi học ở nước ngoài và tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận các chương trình đào tạo quốc tế ngay ở trong nước.

6. Tiếp tục chắp vá hay đổi mới toàn diện hệ giáo dục?

Trong phạm hiểu biết của một người ngoài ngành, tôi nghĩ rằng thế giới thật ra cũng chỉ có mấy nền giáo dục lớn (có người gọi triết lý, hệ giáo dục), đó là Pháp, Anh, Mỹ, Liên-xô (cũ)… Hệ giáo dục của các quốc gia khác là kết quả của việc ứng dụng, pha trộn các hệ giáo dục lớn qua các thời kỳ chiếm đóng thực dân và xâm nhập văn hoá trong xu thế toàn cầu hoá hiện đại. Cách ứng dụng, pha trộn có liên quan đến các yếu tố kinh tế, văn hoá, tôn giáo địa phương, cái mà ta có thể gọi là “tiếp thu và phát triển một cách sáng tạo”.

Do bối cảnh lịch sử, hệ giáo dục của ta chịu ảnh hưởng và có sự pha trộn của nhiều hệ giáo dục lớn: Pháp, Liên-xô (cũ), Mỹ (ở miền Nam trước đây), Anh (do ảnh hưởng của thời kỳ hội nhập). Đã đến lúc cần có sự nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn một hệ giáo dục có tính đồng bộ, tính liên kết cao hơn.

Nếu nhìn ra các nước lân cận, có thể thấy Singapore, Malaysia, Thái Lan có hệ giáo dục rất gần với hệ của Anh.Ở các nước thuộc Liên-xô (cũ), kể cả Nga, sự ảnh hưởng của nền giáo dục Anh cũng đang ngày càng lớn.

Tôi nghĩ, việc đổi mới toàn diện giáo dục ở nước ta nên đoạn tuyệt với cách tiếp cận “ứng dụng và phát triển sáng tạo” theo kiểu làm lâu nay.Nên chọn một hệ giáo dục tốt làm cơ sở tham chiếu đểxây dựng hệ giáo dục mới.

Tôi nghĩ đó nên là hệ giáo dục Anh. Về đại cương, hệ giáo dục này bao gồm 6 năm tiểu học và 5 năm trung học (cho phép thực hiện chương trình trung học “nén” với 4 năm). Sau khi kết thúc trung học, tuỳ thuộc kết quả một kỳ thi chung, học sinh được chọn theo học hệ cao đẳng học nghề (polytechnic) 3 năm, hoặc dự đại học 2 năm để thi vào các trường đại học (university) với thời gian học 3 năm (ngoại trừ một số ngành đặc biệt).

So với chương trình PTTH hiện nay, học sinh có thể tiết kiệm 01 năm (hoặc 02 năm nếu theo chương trình trung học “nén”). Ngoài ra, số môn học ở các lớp trung học cũng ít hơn và học sinh được chọn các môn học (ngoài 3-4 môn học bắt buộc).Như vậy, học sinh trung đã bắt đầu được hướng nghiệp qua việc lựa chọn các môn học mình yêu thích và có thế mạnh. Số môn học các năm cuối cấp trung học chỉ khoảng 7-8 môn (thay vì 12-13 môn theo chương trình hiện nay), cho phép các em học sâu hơn các môn này.

Chương trình dự bị đại học 2 năm (chương trình “nén” 1,5 năm) cũng cho phép học sinh chọn học 7-8 môn học phù hợp với định hướng ngành học đại học, tuy nhiên, học sinh cũng có quyền chọn học nhiều môn hơn.

Giáo dục Anh là một trong những hệ giáo dục tốt nhất trên thế giới và có khả năng thích ứng với điều kiện địa phương của các nước. Nhiều quốc gia thuộc địa cũ của Anh áp dụng hệ giáo dục này và nhìn chung phát triển thuận lợi hơn so với các nước khác. Hệ giáo dục Anh cho phép học sinh phát hiện và có điều kiện lựa chọn, tập trung cho các lĩnh vực kiến thức mà học sinh có năng khiếu sớm hơn nhiều so với các hệ giáo dục mang tính đổ đồng, cào bằng như hệ giáo dục Việt Nam hiện nay.

Các nhà giáo dục có thể có những quan điểm khác. Điều tôi muốn nói là chúng ta nên tránh phát triển một hệ giáo dục có tính chắp vá, pha trộn quá nhiều. Để có thể “áp dụng sáng tạo” kinh nghiệm giáo dục của các hệ giáo dục khác nhau, cần phải hiểu tường tận chúng. Một công trình kiến trúc chắp vá vẫn có thể là một công trình đẹp, nhưng nó đòi hỏi những kiến trúc sư tài ba.Với những gì đã và đang tích tụ trong một hệ giáo dục như ta đang có, việc tiếp tục chắp vá để có một hệ giáo dục tốt hơn là quá khó.

Kể cả khi có sự đồng thuận lấy hệ giáo dục Anh làm cơ sở để xây dựng một hệ giáo dục mới, việc chuyển đổi cần có lộ trình thời gian để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh.Có thể cần 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn.Nhưng nếu không đặt ra mục tiêu, lộ trình thay đổi để bắt đầu chuẩn bị thì các bất cập của giáo dục Việt Nam có thể kéo dài và gây thiệt thòi cho nhiều thế hệ nữa.

7. Dạy thêm – học thêm.

Vấn đề dạy thêm – học thêm đã được mổ xẻ, bàn luận rất nhiều. Mặc dù rất băn khoăn, thông cảm với thu nhập và điều kiện sống của các giáo viên, tôi cho rằng cần chấm dứt dứt điểm, càng sớm càng tốt, tình trạng dạy thêm – học thêm như hiện nay vì sự lành mạnh, chất lượng của nền giáo dục.

Việc dạy thêm – học thêm không chỉ gây tốn kém công sức, tiền bạc của các gia đình cho việc học hành của con em, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng học hành – nghỉ ngơi và phát triển toàn diện trí-lực của học sinh. Nó phá vỡ sự công bằng giữa các học sinh với điều kiện gia đình chênh lệch và thiệt thòi cho con em các gia đình có khó khăn kinh tế. Nó làm xấu đi hình ảnh thầy cô trong con mắt học trò và các phụ huynh học sinh.

Thế hệ chúng tôi không phải học thêm, nhưng chắc gì chất lượng học đã kém so với hiện nay?Các học sinh Việt Nam được gửi ra nước ngoài học trong những năm 70-80 vẫn học rất giỏi so với học sinh của các nước khác, thường chiếm các vị trí đứng đầu về kết quả học tập.

Nhìn ra các nước xung quanh, học sinh phổ thông cũng không phải học thêm các môn chính khoá. Tình trạng học sinh học thêm ở Việt Nam, thậm chí ngay từ lớp 1, là một thực tế độc nhất vô nhị và khó có thể biện minh được, ngoại trừ lý do thu nhập của đội ngũ giáo viên nước ta quá thấp so với nhu cầu cuộc sống. Nếu lấy việc dạy thêm – học thêm để giải quyết vấn đề thu nhập của giáo viên, nền giáo dục khó mà tốt lên được.

Chương trình giáo dục phải được xây dựng để học sinh có thể nắm vững những kiến thức được dạy ở lớp và các bài tập về nhà. Đối với các em học sinh có khả năng tiếp thu yếu hơn, nhà trường cần tổ chức các lớp phụ đạo miễn phí để giúp các em có điều kiện đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, thu hẹp khoảng cách với các học sinh khá, giỏi. Ở Singapore và nhiều nước khác người ta làm như thế, không bao giờ có việc giáo viên hoặc nhà trường thu tiền phụ đạo các học sinh kém hơn.

8. Chi cho giáo dục và đời sống, chất lượng đội ngũ giáo viên.

Ông cha ta nói: “Có thực mới vực được đạo”, điều đó đúng với mọi thứ, trong đó có giáo dục.

Theo các số liệu tại trang mạng www.nationmaster.com, tỷ lệ “Đầu tư công cho giáo dục / Chi tiêu của chính phủ” (“Public spending on education/ Government expenditure”) của một số quốc gia như sau: Trung Quốc – 12,71%, Thái Lan – 19,98%, Singapore – 18,22%, Malaysia – 28,02 và Philippines – 17,22%.

Ở nước ta, theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chủ trương, chính sách của Chính phủ, chi ngân sách nhà nước (cả trung ương và địa phương) cho giáo dục đào tạo và dạy nghề được xác định ở mức 20%. Xét về tỷ lệ % thì con số này không nhỏ so với các nước trên, nhưng vì tổng chi ngân sách của Việt Nam nhỏ hơn đáng kể so với họ (do nền kinh tế có GDP còn nhỏ), con số tuyệt đối chi cho giáo dục đào tạo ở nươc ta thấp hơn nhiều (đặc biệt nếu tính bình quân trên một giáo viên, trên một học sinh).

Nếu xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhân tài là nguyên khí quốc gia, không thể không cải thiện tỷ lệ và tổng chi ngân sách cho giáo dục. Nguồn ngân sách được tăng lên một phần dùng để cải thiện thu nhập cho đội ngũ giáo viên, làm sao để nghề giáo viên trở nên hấp dẫn trong các nghề công chức. Ngoài ra, ngân sách tăng thêm cũng dùng để nâng cấp trường lớp, thiết bị giảng dạy, cấp học bổng khuyến học và các nhu cầu thiết thực khác của ngành giáo dục.

Chúng ta hoàn toàn có thể bán bớt doanh nghiệp nhà nước để đầu tư thêm cho giáo dục.Khi bán bớt doanh nghiệp, nhà nước đỡ phải đầu tư thêm cho chúng, lại càng có thêm nguồn đầu tư cho giáo dục. Trong khuôn khổ nguồn ngân sách có hạn, nếu cần phải lựa chọn một bên là các doanh nghiệp nhà nước, một bên là chất lượng lao động cho mọi thành phần kinh tế, tôi nghĩ nên lựa chọn cái sau. Nó cần hơn cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước Việt Nam.

Câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” dân gian nói suốt mấy chục năm qua, đến nay vẫn đúng nếu so sánh điểm chuẩn vào đại học giữa ngành sư phạm và các ngành khác.Nhiều trường, khoa sư phạm tuyển sinh đại học với điểm chuẩn trên dưới 15 điểm, thậm chí có những ngành điểm chuẩn chỉ 12-13 điểm.Những học sinh với các điểm thi các môn chưa đạt trung bình đó, khi ra trường trở thành giáo viên dạy học sinh, họ sẽ đưa nền giáo dục nước ta đến đâu?Số phận các em học sinh của họ sẽ như thế nào?

Chúng ta cần tìm cách chấm dứt thực tế đau khổ này vì tương lai các thế hệ con em chúng ta và biến nghề sư phạm thành một nghề thu hút người tài, thể hiện rõ nhất qua điểm chuẩn đầu vào của các trường, khoa sư phạm. Muốn làm được như thế, phải có chế độ đãi ngộ tốt đối với nghề giáo.Muốn có chế độ đãi ngộ tốt thì phải có đủ tiền, không thể khác được.

Thưa Bộ trưởng, các vấn đề tôi đề cập trên đây thật ra không có gì mới, chúng đã được nhiều chuyên gia và người dân nêu ra trong nhiều năm qua. Tôi tập hợp lại trong thư này gửi Bộ trưởng với mong muốn các vấn đề này sẽ nhận được sự quan tâm xem xét và giải quyết toàn diện hơn, với lộ trình rõ ràng hơn. Tôi cũng không khẳng định rằng các nhận xét, quan điểm của tôi là toàn diện, chính xác.Góc nhìn của tôi chỉ là một trong rất nhiều góc nhìn về giáo dục Việt Nam. Nếu Bộ trưởng tổ chức một cuộc hội thảo, hay một “Hội nghị Diên Hồng” về giáo dục, với sự tham gia của giới chuyên môn và các tầng lớp nhân dân, tôi tin là Bộ trưởng sẽ nhận được hàng trăm, hàng nghìn ý kiến, kiến nghị rất tâm huyết và có giá trị.

Các bất cập của nền giáo dục Việt Nam cũng không phải do Bộ trưởng, mà tích tụ từ hàng chục năm qua, theo tôi, hoàn toàn không cần thiết phải truy xét tại ai, tại sao? Trong quá trình phát triển của cả đất nước hay một lĩnh vực, có rất nhiều bất cập không phải do lỗi của ai, mà là kết quả của bối cảnh lịch sử, của việc xác định các thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn. Cái sai nhiều khi chỉ là sự kéo dài của cái đúng của giai đoạn trước.Điều quan trọng nhất là nhận diện các vấn đề và có biện pháp, lộ trình khắc phục.

Khi một số đại biểu quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho Bộ trưởng trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm gần đây của Quốc hội, hoặc khi người dân (như tôi) bày tỏ sự chưa hài lòng với nền giáo dục, tôi nghĩ không ai lại đi nghĩ là Bộ trưởng gây ra những bất cập đó. Cái mà họ chưa hài lòng, tôi nghĩ, là cách Bộ trưởng và Bộ GD-ĐT dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng nhận diện các bất cập và các biện pháp, lộ trình giải quyết.Tình hình hôm nay chưa tốt, không sao cả, miễn là Bộ trưởng cho chúng tôi – người dân, một kế hoạch khắc phục cụ thể những thứ chưa tốt.Chúng tôi sẽ tin, cổ vũ và chờ đợi.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

TS Lương Hoài Nam

http://haihaua.foruma.biz/t5651-topic

_________________
Diễn đàn rao vặt
test
test
Cấp 3
Cấp 3

Bài gửi : 260
Điểm : 5743
Like : 24
Tham gia : 07/04/2011
Tuổi : 42

http://ohaylam.com

Về Đầu Trang Go down

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang

- Similar topics

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết