Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt - vẹn tròn chữ Hiếu

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt - vẹn tròn chữ Hiếu Empty Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt - vẹn tròn chữ Hiếu

Bài gửi by dodongdovi 16/4/2015, 13:43

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ quát của người Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về phong tục cũng như nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là gì?

Tín ngưỡng của tục thờ cúng tổ tiên là quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống) bằng con đường hồn về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ. Trong phong tục thờ cúng tổ tiên này đạo lý là nội dung nổi trội.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt - vẹn tròn chữ Hiếu Tin-nguong-tho-cung-to-tien-cua-nguoi-viet
 
Đạo lý uống nước nhớ nguồn, một mặt con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, lúc họ đã chết cũng như khi còn sống. Mặt khác, nó cũng thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối với nhu cầu của tổ tiên. Trách nhiệm được biểu hiện không chỉ trong các hành vi sống (giữ gìn danh dự và tiếp tục truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn ở trong các hành vi cúng tế cụ thể. Một học giả nước ngoài khi nghiên cứu về tín ngưỡng này ở nước ta đã nhận xét: “Các thành viên trong gia đình kính dâng các đồ cúng lễ là tuyệt đối cần thiết để cho linh hồn tổ tiên có được sự yên nghỉ thanh thản ở thế giới bên kia”.
Ở đây cũng cần nhắc tới đặc trưng “duy tình” hơn “duy lý” của người Việt. Mặc dù nhiều dân tộc phương Đông có tâm lý ứng xử duy tình, nhưng ở người Việt, thái độ này biểu hiện rất rộng và thể hiện rất sâu sắc ( không chỉ đối với người đang sống mà cả với những người sắp chào đời hoặc đã chết). Người ta luôn luôn chịu sự chi phối của quan niệm vừa mong được nhận “phúc ấm của tổ tiên”, “sống vì mồ mả, ai sống vì bát cơm”, vừa lo trách nhiệm để phúc lộc cho con cháu “phúc đức tại mẫu”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Khi cúng lễ tổ tiên, một mặt con người hướng về quá khứ, định hướng cho hiện tại (giáo dục truyền thống gia đình, đạo lý làm người cho con cháu) và mặt khác đã chuẩn bị cho tương lai. Đường dây thế hệ mà cũng là đường dây đạo lý sẽ luôn liên tục nối tiếp, phát triển.
Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Sống trong xã hội, xét theo cả trục dọc và trục ngang, con người không thể sống biệt lập, đơn độc. Theo trục dọc phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ: ông bà - cha mẹ - bản thân. Mỗi con người phải có trách nhiệm thờ phụng bốn đời trước: cao, tằng, tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố) và họ cũng tin rằng sẽ được con cháu bốn đời kế tiếp cúng giỗ. Theo trục ngang, thờ cúng tổ tiên đã gắn bó con người trong mối liên kết dòng họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ (hoặc chồng). Với tư cách một tập thể - gồm cả người đang sống và người đã chết gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, dòng họ có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên của nó trong làng xã.
Vai trò tổ chức liên kết cộng đồng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn rõ hơn khi ta xem xét vấn đề thờ quốc tổ. Cả cộng đồng cư dân Việt Nam được củng cố bởi niềm tin chung một cội nguồn “đồng bào”, đều là “con Lạc cháu Hồng”. Và đó cũng chính là sức mạnh giúp cho dân tộc ta vững vàng trước mọi sự đe dọa của giặc ngoại xâm “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.(Hồ Chủ Tịch). Suốt từ thế kỷ XV, XVI đến nay, khi Hùng Vương được coi là quốc tổ, ý thức này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm linh của dân tộc.
Giáo sư Đào Duy Anh cho rằng: “tế tự tổ tiên là lấy sự duy trì chủng tộc làm mục đích”. Trong khi tế lễ, lời khấn vái của họ cũng thật giản dị, rất thực tiễn: lời cầu xin che chở, phù trợ cho cuộc sống hàng ngày của họ được bình yên, suôn sẻ. Không biết sự cầu xin ấy hiệu quả như thế nào, nhưng trước hết, con người cảm thấy thanh thản về mặt tâm linh, điểm tựa tinh thần quan trọng cho cuộc sống. Với những mong muốn bình dị và niềm tin nguyên thủy chất phát, thờ tổ tiên được coi là thứ tín ngưỡng “vừa tầm” với mọi lớp người cả về mặt nội dung đạo lý và nghi thức thực hiện. Do đó, khả năng phổ biến trong không gian và thời gian của tín ngưỡng này cũng là một điều dễ hiểu. Các tôn giáo ngoại lai, để tồn tại được ở Việt Nam, đã buộc phải dung hòa với thứ tín ngưỡng bản địa cắm rễ sâu trong tâm thức người Việt – thờ cúng tổ tiên.
Còn các tôn giáo xuất hiện nội sinh trong nước như Cao Đài, Hòa Hảo ở miền Nam cũng đã biết dựa trên cơ sở của đạo thờ cúng ông bà. Không chỉ các tôn giáo, mà ngay cả trong các tín ngưỡng dân gian khác như tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ Mẫu…, ta cũng thấy dấu vết tác động của tín ngưỡng thờ tổ tiên ở sự biết ơn cội nguồn, biết ơn các đấng sinh thành. Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần, người dân Việt thờ Mẫu (thờ mẹ) với mong muốn kéo vị thần này gần với tín ngưỡng gia tộc, từ đó có mối đồng cảm gắn bó như giữa người mẹ luôn che chở với đàn con của mình.
Có thể nói, phong tục tổ tiên là một tín ngưỡng dân gian của dân tộc có nguồn gốc từ xa xưa và mang đạo lý nhân ái uống nước nhớ nguồn trong tiến trình lịch sử, nó đã được các hệ tư tưởng tôn giáo khác bổ sung hoàn chỉnh để thể chế hóa thành một thứ đạo: Đạo tổ tiên - Đạo Ông Bà.

Nghi thức thờ cúng tổ tiên

Tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam, trước hết là những người cùng huyết thống, như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ v.v... là người đã sinh ra mình. Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại như các vị "Thành hoàng làng" các "Nghệ tổ". Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm như Trần Hưng Đạo đã thành "Cha" được tổ chức cúng, giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm. "Tháng 8 giỗ cha" ở rất nhiều nơi trong cộng đồng người Việt. Ngay cả "Thành hoàng" của nhiều làng cũng không phải là người đã có công tạo dựng nên làng, mà có khi là người có công, có đức với nước được các cụ xa xưa tôn thờ làm "thành hoàng". Tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn là "Mẹ Âu Cơ", còn là "Vua Hùng", là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập "mối liên hệ" giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam: "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn". Với người Việt Nam, chết chưa phải là hết, tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh người sống, "như tại" trên bàn thờ mỗi gia đình, động viên, trợ giúp cho con cháu trong cuộc sống thường ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.
Đạo lý biết ơn và tiếp tục nối dõi truyền thống tổ tiên chỉ trở thành nội dung bên trong của tín ngưỡng khi đạo lý được bộc lộ thông qua các nghi thức có tính chất huyền bí, thiêng liêng. Các nghi thức thờ cúng tổ tiên ở nước ta tuy phần lớn phỏng theo nghi lễ Nho giáo, nhưng lại có những yếu tố rất gần gũi với Phật giáo hay Đạo giáo. Mặt khác với tính chất một tín ngưỡng dân dã, các hành vi lễ thức thường được thực hiện theo tâm thức dân gian và cũng không hoàn toàn thống nhất ở các gia đình, các địa phương.
Thời gian cúng giỗ là những ngày húy kỵ của tổ tiên, những ngày lễ, tết trong năm. Ngoài ra, việc cúng giỗ tổ tiên cũng được tổ chức vào những ngày trong gia đình có sự kiện quan trọng như lấy vợ, làm nhà, tậu trâu, thi cử, đi xa, nhà có người ốm đau... Thông qua nghi lễ thờ cúng, người Việt Nam gửi gắm tình cảm biết ơn đối với tổ tiên. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" và vì "Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu".
Trong mỗi gia đình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần dần trở thành đạo lý "uống nước nhớ nguồn", thành "đạo hiếu". Đạo hiếu là cái gốc của mỗi con người. Công cha, nghĩa mẹ như núi cao, nước nguồn cho nên phải hiếu thảo với cha, mẹ khi còn sống, thành kính, biết ơn, tiếc thương khi cha, mẹ khuất núi về với tổ tiên. Lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.
Tham khảo
Tags: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nghi thức thờ cúng tổ tiên, cách thờ cúng tổ tiên, thờ cúng tổ tiên, phong tục thờ cúng tổ tiên, bàn thờ gia tiên, cách sắp xếp bàn thờ gia tiên, cách bài trí bàn thờ gia tiên
avatar
dodongdovi
Cấp 3
Cấp 3

Bài gửi : 168
Điểm : 4075
Like : 0
Tham gia : 05/02/2015

Về Đầu Trang Go down

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang

- Similar topics

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết